Mô hình bài toán Thời khóa biểu Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp - Phần 2

Ngày gửi bài: 26/09/2006
Số lượt đọc: 44043

Bùi Việt Hà, Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường.
Email: habv@vnschool.net

Trong phần này sẽ mô tả tổng quát mô hình Đào tạo bậc Đại học & Cao đẳng theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Mô hình này sẽ được khảo sát kỹ lưỡng và áp dụng một cách linh hoạt cho từng nhà trường cụ thể.

Toàn bộ mô hình đào tạo của mọi nhà trường bậc Đại học - Cao đẳng đều dựa trên mô hình Chương trình đào tạo chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bằng Quyết định 04/1999/QĐ-BGD&ĐT và Qui chế Tổ chức Đào tạo, Kiểm tra, Thi và Công nhận tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng hệ Chính qui được ban hành ngày 11/02/1999. Cho tới thời điểm hiện tại, văn bản trên vẫn là khung pháp lý duy nhất của việc đào tạo Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam.

2.1. Các khái niệm, định nghĩa cơ bản

Theo lý thuyết, đào tạo bậc Đại học và Cao đẳng là mô hình ĐÀO TẠO NGÀNH và CHUYÊN NGÀNH. Mỗi sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp một văn bằng chứng chỉ theo một NGÀNH (hoặc CHUYÊN NGÀNH) nhất định. Chuyên ngành là cấp sâu hơn của Ngành.

Để đào tạo được kiến thức của một NGÀNH, mỗi Ngành sẽ được qui định bởi một CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KHUNG tương ứng.

Như vậy chúng ta có sơ đồ sau mô tả qua hệ giữa Chương trình đào tạo với Ngành và Chuyên ngành.

Hai yếu tố sau nằm trong mô tả chính của khái niệm Chương trình Đào tạo KHUNG:

1. Phân loại nội dung kiến thức: Chương trình đào tạo Khung qui định nội dung học tập phải bao gồm hai khối kiến thức, kiến thức giáo dục đại cương kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Kiến thức giáo dục đại cương được hiểu như những kiến thức chung, tổng quát, tối thiểu cần thiết cho một nhóm ngành. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp được hiểu như những kiến thức chuyên sâu, đặc thù riêng cho một ngành hoặc một chuyên ngành nào đó. Với mỗi loại nội dung trên, người ta lại qui định có 2 nhóm khối kiến thức, kiến thức bắt buộc kiến thức lựa chọn. 2. Cấu thành nội dung: Chương trình đào tạo Khung được qui định khá chặt chẽ bởi một danh sách các MÔN HỌC, các môn học này được mô tả chính xác về nội dung, đối tượng, mục đích, thời lượng giảng dạy và phân bổ vào thời gian đào tạo của sinh viên. Đơn vị thời gian chuẩn cho việc học của sinh viên được tính là 1 đơn vị học trình (dvht) hay qui đổi là 15 tiết lý thuyết hoặc 30 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận hoặc 45-60 tiết làm tiểu luận hay đồ án. Việc giảng dạy thực tế trên lớp học sẽ được phân bổ theo các nhóm đơn vị học trình được gọi là HỌC PHẦN. Mỗi học phần bao gồm từ 2 đến 5 đơn vị học trình được giảng dạy khép kín trong một học kỳ. Như vậy mỗi MÔN HỌC KHUNG sẽ được phân rã thành nhiều HỌC PHẦN theo mô hình dưới đây.

2.2. Mô hình Chương trình đào tạo

Mô hình NỘI DUNG của một Chương trình Đào tạo sẽ được mô tả bởi hai yếu tố: Chương trình đào tạo KHUNG Chương trình đào tạo CHI TIẾT. Chương trình đào tạo KHUNG chính là danh sách các môn học KHUNG được thiết kế bao quát cho một Ngành đào tạo cụ thể trong một nhà trường. Do đặc thù một nhà trường có thể được phép đào tạo nhiều ngành, nhiều hệ do đó các môn học Khung sẽ được phân loại theo dạng: Cơ bản - chung cho nhiều Hệ đào tạo, Đại cương - chung cho nhiều ngành, Cơ sở ngành - chung cho nhiều chuyên ngành và Chuyên ngành.

Chương trình đào tạo CHI TIẾT chính là chương trình đào tạo Khung đã được phân rã theo các Học phần chi tiết và phân bổ cho từng học kỳ của sinh viên theo Khoa và Ngành. Do Học phần kế thừa từ Môn học Khung nên các Học phần cũng sẽ được phân loại theo Cơ bản - Đại cương - Cơ sở Ngành và Chuyên ngành như các môn học Khung qui định.

Một chú ý quan trọng là Chương trình Đào tạo Khung thường đã được duyệt cố định bởi các cấp có thẩm quyền cao, còn Chương trình Chi tiết thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế, tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành, từng trường có thể thiết kế với độ linh hoạt cao. Thông thường căn cứ vào Chương trình Khung đã có, các Phòng Đào tạo của các trường đại học sẽ thiết kế riêng cho trường mình các Chương trình Chi tiết. Chương trình Chi tiết này có thể thay đổi, tuỳ biến (ví dụ còn phụ thuộc vào số lượng các môn học lựa chọn) và được quản lý chặt chẽ đảm bảo đúng tiến độ và kiến thức của Chương trình Khung. Hình vẽ sau mô tả quan hệ giữa Chương trình đào tạo KHUNG và Chương trình đào tạo CHI TIẾT.

Khi nói về bài toán Quản lý Chương trình Đào tạo chính là nói đến công việc Quản lý, Sắp xếp, Tuỳ biến thông tin của Chương trình Đào tạo Chi tiết này. Đây là một công việc khá nặng nhọc và là công việc trung tâm của Phòng Đào tạo của các Nhà trường Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp.

2.3. Một số nhận xét chung về Chương trình Đào tạo mang đặc thù Việt Nam

1. Chương trình đào tạo KHUNG rất linh hoạt

Chương trình đào tạo KHUNG được mô tả trong Qui chế đã ban hành năm 1999 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ở trên là rất "tổng quát" và không có bất kỳ một mô tả cụ thể nào. Điều này đã tạo ra sự chủ động của các nhà trường trong việc định hướng đào tạo cho trường mình nhưng đồng thời cũng tạo ra sự không thống nhất trong mô hình đào tạo trong đó mô hình thời khóa biểu chỉ là một bộ phận.

2. Không có mô tả cụ thể cho chương trình đào tạo CHI TIẾT

Như đã trình bày ở trên, Qui chế của Bộ không mô tả chương trình chi tiết, điều này dẫn đến tại Việt Nam mỗi nhà trường đều có một chương trình đào tạo chi tiết riêng của mình (thậm chí các trường còn coi các bộ chương trình này là "tài sản" riêng của trường mình!!). Điều này đã thực sự dẫn đến việc không có một mô hình Thời khóa biểu nào có thể dùng chung cho các nhà trường Đại học, Cao đẳng của Việt Nam. Trên thực tế mỗi nhà trường có một mô hình Thời khóa biểu riêng, rất khác biệt nhau mặc dù tất cả chúng đều có những đặc điểm chung tối thiểu của mô hình thời khóa biểu.

3. Cho phép các trường chủ động kế hoạch mở lớp học

Việc mở lớp học đầu năm cho các khoá học cũng được các nhà trường hoàn toàn chủ động. Do vậy về nguyên tắc có thể tồn tại cả 2 kiểu lớp: lớp niên chế và lớp tín chỉ trong mô hình các nhà trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

4. Không có bất kỳ một qui chế nào liên quan đến đặt các bộ mã phục vụ đào tạo Trong mô hình bài toán Thời khóa biểu có rất nhiều bộ dữ liệu tham chiếu quan trọng do đó hệ thống mã là vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, mỗi nhà trường đều có một hệ thống mã hóa riêng biệt, không trường nào giống trường nào. Trong một hệ thống Thời khóa biểu các bộ mã sau là rất quan trọng: Lớp học, Giáo viên, Môn học, Hội trường. Chưa kể các hệ thống thông tin có liên quan khác như Hệ, Ngành, Chuyên ngành đào tạo, hệ thống Khoa, Bộ môn, Toà nhà, Vị trí. Chính sự đa dạng này làm cho việc mô phỏng mô hình xếp Thời khóa biểu cho các nhà trường Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam là rất khó khăn. Khác với các trường Đại học, hệ thống các trường phổ thông của chúng ta thường có hệ thống tên lớp hoàn toàn giống nhau, hệ thống môn học thống nhất trên toàn quốc, điều này lý giải vì sao đối với mô hình Thời khoá biểu nhà trường phổ thông có thể đóng gói phần mềm Thời khóa biểu, còn đối với mô hình Đại học thì không thể làm nổi điều này.

Một số nhận xét về mô hình thời khóa biểu của các trường Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam

- Các nhà trường Đại học Việt Nam có mô hình lớp học rất đa dạng. Thực tế này phản ánh một phần tính không không đồng bộ và thống nhất của mô hình quản lý nhà trường Đại học của Việt Nam. Mặt khác đây là hệ quả của việc ban hành một qui chế quá chung chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc quản lý đào tạo cấp Đại học, Cao đẳng. Thực tế này cùng với sự không thống nhất về hệ thống mã hóa thông tin chương trình đào tạo của các nhà trường dẫn đến các khó khăn sau:

1. Công việc xếp thời khóa biểu của bản thân các nhà trường trở nên rất phức tạp và khó khăn. Do mô hình thông tin liên quan đến thời khóa biểu không ổn định, không đồng bộ, với mỗi học kỳ, phòng đào tạo nhà trường hầu như phải bắt đầu lại công việc từ đầu, không kế thừa được thông tin từ các học kỳ trước, điều này sẽ tự nó làm cho việc xếp thời khóa biểu trở nên khó khăn.

2. Mỗi nhà trường đại học của Việt Nam đều có một "mô hình" TKB riêng của mình, không ai giống ai. Điều này sẽ dẫn đến việc với mỗi nhà trường phải khảo sát khá nhiều các đặc thù của mỗi trường và do đó sẽ làm tăng giá thành của phần mềm.

- Phần lớn các nhà trường đại học Việt Nam đều đang áp dụng mô hình lớp học niên chế. Mô hình này chỉ có một ưu điểm là quản lý sinh viên dễ dàng, nhưng đổi lại là toàn bộ các công việc quản lý đào tạo sẽ trở nên rắc rối và khó khăn hơn. Các khó khăn của mô hình này bao gồm:

1. Công việc xếp TKB sẽ khó khăn hơn. Với mô hình lớp tín chỉ, chúng ta chỉ cần xét 2 thông tin chính là TKB giáo viên và TKB hội trường. Với mô hình lớp niên chế cần phải xem xét cả 3 thông tin là TKB lớp, TKB giáo viên và TKB hội trường.

2. Với mô hình lớp niên chế, việc sử dụng các tài nguyên đào tạo chính là giáo viên và hội trường sẽ lãng phí hơn rất nhiều vì chúng ta phải tổ chức thành nhiều lớp học hơn. Điều này sẽ gây khó khăn trực tiếp cho người làm thời khóa biểu và quản lý nguồn lực cho nhà trường.

- Bản chất của quá trình đào tạo bậc Đại học và Cao đẳng là mô hình tín chỉ. Đây là nguyên tắc chung cho toàn bộ các nền giáo dục bậc đại học và chuyên ngành hẹp của thế giới. Mô hình bài toán thời khóa biểu xét về bản chất cũng là việc sắp xếp lịch cho các lớp tin chỉ sau khi học sinh đã đăng ký học. Do vậy lấy mô hình tín chỉ làm cái lõi (khung) để phát triển các ứng dụng cho mô hình bài toán thời khóa biểu và quản lý đào tạo nhà trường đại học là cách đi bài bản nhất cho việc thiết kế các phần mềm quản lý ứng dụng trong các nhà trường bậc Đại học, Cao đẳng của Việt Nam.

Bùi Việt Hà



Những bài viết khác:
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Học viện kỹ thuật Quân sự (05/10/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Học viện kỹ thuật Quân sự - phần I (05/10/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Học viện kỹ thuật Quân sự - phần II (05/10/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Học viện kỹ thuật Quân sự - phần III (05/10/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Học viện kỹ thuật Quân sự - phần IV (05/10/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Học viện kỹ thuật Quân sự - phần V (05/10/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp (26/09/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp - Phần 1 (26/09/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp - Phần 3 (26/09/2006)
Mô hình bài toán Thời khóa biểu Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp - Phần 4 (26/09/2006)

School@net Technology Company.
Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường.

Phòng 804, nhà 17T1, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 84-24-62511017
Email: kinhdoanh@schoolnet.vn
Website: www.vnschool.net, www.schoolnet.vn, www.thnt.vn